Chính thất mệnh phụ Nội_mệnh_phụ

Trung điện

Danh xưng Vương phi (Wangpi; 왕비; 王妃) là tước hiệu dành cho chính thất của Triều Tiên quốc chủ, được cử hành hôn lễ với Quốc vương theo nghi thức quốc hôn chính thống. Chỗ ở của Vương phi luôn nằm tại trung tâm của Nội cung, nên thường được gọi là Trung điện (中殿; 중전). Vương phi đứng đầu Nội mệnh phụ, chỉ đạo toàn bộ công việc thuộc Nội mệnh phụ, có nhiệm vụ quản lý và sắc phong các Nội quan và Cung Quan.

Thời kỳ đầu, các Vương phi đều có mỹ hiệu riêng, như "Đức phi" hay "Cung phi", thế rồi vào năm Triều Tiên Thế Tông thứ 9 (1427), Vương phi là danh xưng chính thức được đặt ra để gọi Quốc vương chính thất thay vì phải có phong hiệu gắn trước như các thời kì trước. Trong các pháp điển cũng chỉ đề cập sử dụng thuật ngữ "Vương phi" hoặc là Vương phi điện (왕비전; 王妃殿). Điều này là do vua Thế Tông chiếu theo lệ từ khi nhà Hán xưng đế ở Trung Quốc, thì [“Thiên Tử chi Hậu”] tức vợ của Thiên tử được gọi là Hoàng hậu, còn phu nhân của chư hầu được gọi là Phi. Do đó, chính thất của các Quốc vương Triều Tiên đều được gọi là Vương phi, hoặc giản xưng [Trung điện]. Ngoài cách gọi "Trung điện", Vương phi còn có những cách gọi khác như Khôn điện (곤전; 坤殿), Nội điện (내전; 內殿) và Trung cung điện (중궁전; 中宮殿).

Thông thường Vương phi sẽ sinh sống ở khu vực trung tâm cung điện, đồng thời nơi ở của Đại vương và Vương phi phải được tách ra nhưng cũng phải nằm gần nhau, do vậy trong trường hợp nếu hai người ở Cảnh Phúc Cung thì tẩm điện của Vương phi là Giao Thái điện (교태전; 交泰殿) - ngôi điện nằm đằng sau tẩm điện của Đại vương là Khang Ninh điện (강녕전; 康寧殿). Còn trường hợp ở Xương Đức Cung, thì tẩm điện của Vương phi là Đại Tạo điện (대조전; 大造殿) - nằm đằng sau tẩm điện của Đại vương là Hi Chính đường (희정당; 熙政堂). Các Vương phi qua đời khi đang tại vị đều được truy phong là Vương hậu (王后; 왕후), Vương phi bị phế từ trước và không được truy phong sẽ bị gọi là Phế phi (废妃; 폐비), không còn Vương vị và không được Vương thất công nhận cũng như sau khi qua đời không được an táng theo nghi lễ Vương thất, không thờ tự.

Thượng điện

Danh xưng Vương đại phi (Wangt'aepi; 대비; 王大妃) là cách gọi chính thất Vương phi của một Tiên vương, sau khi Tiên vương tạ thế. Cách tôn xưng Đại phi ở Triều Tiên không xét vai vế mà là qua các đời, đồng thời nếu chưa từng là Vương phi thì hoàn toàn không thể được tôn làm Vương đại phi. Nếu Quốc vương kế vị tiếp tục qua đời, vị Vương đại phi sẽ được tôn là Đại vương đại phi (T'awangt'aepi; 왕대비; 大王大妃). Các Đại phi được gọi chung bằng kính ngữ Thượng điện (上殿) hoặc Từ điện (慈殿).

Xét vào việc tôn xưng như trên, chỉ có người được phong làm Trung điện mới có thể trở thành Đại phi, và cũng có trường hợp Đại phi không phải mẹ ruột hoặc thậm chí là bà nội theo pháp chế, điển hình như Trinh Thuần Vương hậu Kim thị, là Vương đại phi dưới thời Triều Tiên Chính Tổ, dù bà là bà nội trên danh nghĩa của Chính Tổ. Nếu Quốc vương muốn phong mẹ ruột của mình, người chỉ có thân phận tần thiếp, thì chỉ có thể dâng tôn hiệu mỹ từ kèm theo từ Cung (宮) đằng sau. Trong lịch sử Triều Tiên có 7 tần thiếp mang tôn hiệu này, gọi là Thất cung.

Thông thường "Vương đại phi" hay "Đại phi" được dùng như nhau, nhưng trong trường hợp đất nước không may có đến 3 đời quả phụ trong Vương thất thì Đại phi dùng để chỉ chính thất của Tiên vương đời trước, Vương đại phi dùng để chỉ chính thất của Tiên vương 2 đời trước và Đại vương đại phi dùng để chỉ chính thất của Tiên vương 3 đời trước. Tất cả đều để chỉ Vương phi của tiền triều, trong trường hợp này người có vị phận cao nhất sẽ được gọi là "Thượng điện", sau đó là "Vương đại phi điện" (왕대비전,王大妃殿) và Vương phi tiền triều được gọi là "Từ điện" hoặc "Đại phi điện" (대비전; 大妃殿). Trường hợp 3 đời quả phụ này xuất hiện sau khi vua Triều Tiên Hiến Tông hoăng và Triều Tiên Triết Tông kế vị, cụ thể như sau:

  1. Thuần Nguyên Vương hậu Kim thị, tôn phong Văn Nhân Quang Thánh Đại vương đại phi (文仁光聖大王大妃). Chính thất của Thuần Tổ, xét ra là thím của Triết Tông.
  2. Thần Trinh Vương hậu Triệu thị, tôn phong Hiếu Dụ Vương đại phi (孝裕王大妃). Chính thất của Dực Tông, xét ra là chị dâu của Triết Tông.
  3. Hiếu Định Vương hậu Hồng thị, tôn phong Minh Hiến Đại phi (明憲大妃). Chính thất của Hiến Tông, xét ra là cháu dâu của Triết Tông.

Đến thời Cao Tông, khi đó Thuần Nguyên Vương hậu cũng qua đời, nhưng lại tôn phong Triết Nhân Vương hậu của Triết Tông thành Đại phi, khi đó trong vương cung tiếp tục có 3 đời quả phụ tiếp diễn, cụ thể như sau:

  1. Thần Trinh vương hậu Triệu thị, tôn Hiếu Dụ Đại vương đại phi
  2. Hiếu Định vương hậu Hồng thị, tôn phong Minh Hiến Vương Đại phi
  3. Triết Nhân vương hậu Kim thị, tôn phong Minh Thuần Đại phi

Thực tế thì trường hợp 3 đời quả phụ xuất hiện lần đầu tiên không phải dưới triều Triết Tông nhưng lúc này quy chế xưng hô của các Vương phi tiền triều đã được ông hoàn thiện. Lần đầu tiên xuất hiện trường hợp 3 đời quả phụ phải kế đến triều Triều Tiên Thành Tông. Khi ấy, trong vương thất có Trinh Hi Vương hậu Doãn thị - là tổ mẫu của Thành Tông, tôn phong [Từ Thánh Đại vương đại phi]. Chiêu Huệ Vương hậu Hàn thị - là mẹ của Thành Tông, tôn phong [Nhân Túy Vương đại phi], và cuối cùng là thím của Thành Tông là An Thuận Vương hậu Hàn thị tôn phong [Nhân Huệ Vương đại phi]. Do hai vị Vương đại phi xét ra có chồng là anh em của nhau, nên không xem là cách nhau một đời được. Vì thế lúc bấy giờ Thành Tông chỉ định phân biệt hai vị Vương đại phi bằng Tôn hiệu là Nhân Túy và Nhân Huệ, mở ra tiền lệ đồng vị được gọi là Lưỡng Đại phi (양대비; 兩大妃).

Cũng giống như lúc được phong làm Vương phi, những Tiền nhiệm Vương phi khi được sách phong thì khi được tấn tôn làm Vương đại phi cũng sẽ có những vật tương trưng như Địch y, Sách bảo (gồm Ngọc sách và Kim bảo). Thông thường khi được tôn phong làm Vương đại phi hoặc Đại vương đại phi, hoặc tôn phong do Đại vương truy phong cho cha mình làm Đại vương, thì những sinh mẫu vốn chỉ là Thế tử tần bấy giờ vẫn có thể được tôn làm Vương đại phi. Lúc đó trong Ngọc sách sẽ khắc thêm việc dâng tôn hiệu và Kim bảo sẽ khắc thêm tôn hiệu là Vương phi trước, sau đó mới thuận lý thành chương mà tôn thành Vương đại phi; đấy là như trường hợp của Nhân Túy Vương phi, tức là Chiêu Huệ Vương hậu Hàn thị bên trên. Khi còn sống, thì Đại vương có thể gia tôn huy hiệu thêm cho các vị Đại phi, đấy gọi là Tôn hiệu (존호; 尊號).

Nhân vật nổi tiếng

Vai trò trong vương thất

Ngoài việc Vương phi là người có phẩm vị siêu việt đứng đầu Nội mệnh phụ quản lý cung vụ trong cung thì có những trường hợp Vương phi có thể thay Đại vương chấp chính, đó là khi Đại vương có việc rời khỏi đô thành hoặc đi vi hành.

Tuy nhiên, trong "Pháp điển Triều Tiên" có ghi chép là, chỉ khi Vương thế tử tùy giá cùng Đại vương ra khỏi kinh thành thì mọi việc phải báo cáo cho Vương phi. Tức là nếu cả Đại vương và Vương thế tử đều không ở trong cung thì Vương phi sẽ là người có trách nhiệm giám quốc. Trong trường hợp báo cáo một việc gì đó cho Vương phi thì cũng được chia ra làm 3 loại:

  1. Thứ nhất, theo Kinh Quốc đại điển (經國大典) quy định, khi có việc trọng đại như quân vụ hay chính vụ trong lúc Đại vương vi hành mà không thể báo tin đến hành cung Đại Vương đang ở thì sẽ giải quyết theo "Nội chỉ" (내지; 內旨) của Vương phi. Trong khoảng thời gian này thì lúc nào cũng phải bẩm báo cho Vương phi rồi nhận chỉ thị từ người. Quy định này cho đến khi biên soạn ra Đại điển thông biên hay Đại điển hội thông cũng không có sự thay đổi.
  2. Thứ hai, thay đổi giờ đóng mở cửa cung và cổng thành. Vào thời Triều Tiên, cửa cung sẽ được đóng vào lúc sẩm tối và mở lại vào lúc bình minh. Cổng thành thì được đóng theo quy định Nhân định[1] và mở lại theo quy định Phá lậu[2]. Theo Tục đại điển, khi Đại vương xuất cung làm việc trong đô thành thì việc liên quan đến thay đổi giờ đóng mở cửa cung phải thỉnh Phù tín của Đại phi hoặc Vương phi để tiến hành còn cổng thành thì phải xin Phù tín ở hành cung của Đại vương. Khi Đại vương vi hành rời khỏi đô thành thì tất cả những việc liên quan đến thay đổi giờ đóng mở cửa cung và cổng thành thì đều thỉnh "Phù tín" (표신; 符信) của Đại phi hoặc Vương phi để tiến hành. Trường hợp này chỉ diễn ra khi Vương thế tử tùy giá Đại vương rời khỏi đô thành, còn nếu Vương thế tử còn ở trong cung thì phải làm theo Huy chỉ của người.
  3. Thứ ba, báo cáo về Khải tỉnh ký (계성기,啓省記). Khải tỉnh ký là văn thư mà lính canh, tuần tra và tướng lĩnh ghi chi tiết việc luân phiên ca trực và số lượng quân lính để báo cáo về Binh Tào. Ngoài những người canh gác trong cung như tướng lĩnh, Quan tuyên truyền (선전관,宣傳官), Kiêm ti bộc (겸사복,兼司僕), Thượng hộ quân (상호군,上護軍), Đại hộ quân (대호군,大護軍), Hộ quân (호군,護軍), quan viên của các Quan sảnh (관청,官廳) và Tuần tướng (순장,巡將), Tuần quan (순관,巡官); thì những nơi khác chỉ cần ghi chép số lượng người thay tên là được. Tỉnh ký này mỗi ngày phải báo cáo cho Đại vương. Theo Tục đại điển, trong khi Đại vương đang bên ngoài thì báo cáo lên Đại phi hoặc Vương phi và nếu Thế tử không tùy giá Đại vương thì phải báo cho Đông cung. Quy định này trong Đại điển hội thông đã được thay đổi là khi Đại vương làm việc ngoài thành thì phải nhận được phê chuẩn ở hành cung của Đại vương và việc phân bố lính canh phải nhận được phê chuẩn trước trong hôm đó. Tức là không cần báo cho Vương Thế tử, Vương phi hoặc Đại phi.

Theo Kinh Quốc đại điển quy định, mặc dù thực quyền đứng đầu Nội mệnh phụ là Vương phi nhưng với một quốc gia trọng lễ tiết Nho giáo thì "con dâu sao có thể xem nhẹ mẹ chồng", dù có thể chỉ là trên danh nghĩa. Ví dụ như thông thường Vương thất cần tiến hành Hậu cung Giản trạch, thì cũng chính Đại phi sẽ là người đứng ra chủ trị. Vì lẽ đó, tuy bề ngoài Vương đại phi ít khi nhúng tay vào việc của Nội mệnh phụ, nhưng thực tế mỗi khi có việc quan trọng gì trong Nội mệnh phụ cần giải quyết thì Vương phi đều hỏi ý kiến Vương đại phi. Thêm vào đó, khi Tân vương kế vị ở tuổi còn nhỏ, thì người phụ nữ đứng đầu trong Vương thất sẽ tiến hành Thùy liêm thính chính để hỗ trợ chính vụ cho Đại vương. Có nghĩa là Đại vương đại phi sẽ thực hiện Thùy liêm thính chính thay vì Vương đại phi, nếu trường hợp có hai vị Tiền nhiệm Vương phi.

Liên quan